Phạm Chí Nhu, hay còn gọi là “Nhu Phạm” là vị CEO trẻ sinh năm 1991 đến từ Bắc Ninh. Với xuất phát điểm là cử nhân Tài chính – Ngân hàng Khóa 46 của trường Đại học Ngoại thương, trước khi thành lập startup Coolmate vào tháng 2/2019, anh đã từng trải qua rất nhiều công việc kinh doanh, từ bán lẻ mỹ phẩm đến việc bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử.
Nguồn cảm hứng thôi thúc khởi nghiệp
Coolmate là sự kết hợp giữa ‘Cool’ và ‘Mate’, được thành lập với mong muốn đem đến cho khách hàng ưa trải nghiệm, thích phiêu lưu một vẻ ngoài “cool” ngầu, mới mẻ, năng động. Hơn cả, startup này còn muốn được trở thành những người đồng hành “mate” thấu hiểu và những trợ thủ đắc lực nhất cho nam giới.
“Để nói về những giá trị cơ bản của một sản phẩm, người dùng chính là trung tâm. Cơ bản ở đây chính là đáp ứng đầy đủ những nhu cầu cụ thể và đơn giản nhất của một người dùng bao gồm các khâu: tiếp thị, tư vấn, trải nghiệm, đổi trả… Càng cơ bản, sản phẩm càng dễ đến tay người tiêu dùng”, Nhu Phạm – đồng sáng lập & CEO Coolmate chia sẻ.
Càng kinh doanh, Nhu càng nhận thấy tiềm năng của thị trường các sản phẩm cho nam giới tại Việt Nam. Từ đây, Nhu cùng một số người bạn lập ra startup Coolmate theo mô hình sàn thương mại điện tử. Nhưng khác với Tiki, Shopee hay Lazada, Coolmate chủ động về nguồn hàng, quy trình sản xuất, cũng như chọn ngách kinh doanh tập trung hơn.
Ngay từ đầu, Nhu Phạm cùng đội ngũ sáng lập đã xác định Coolmate sẽ hướng tới mô hình kinh doanh sinh lời, thay vì quảng cáo “đốt tiền”. Chi phí lớn nhất của Coolmate sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như trải nghiệm mua hàng.
Do đó, Coolmate xây dựng mô hình mua sắm theo tủ đồ tuỳ chọn cho nam giới, với mức giá hợp lý, số lượng đồ đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Danh mục tủ đồ Coolmate bao gồm hơn 20 sản phẩm: áo thun, quần short, quần lót, tất nam…
Chính nhờ sự tiện lợi này, trong tuần đầu ra mắt, hơn 1.000 tủ đồ đã được đặt, dù startup chưa chạy bất kỳ chiến dịch marketing nào. Đáng chú ý, tỉ lệ khách hàng quay lại Coolmate lên tới 25%, trung bình chi tiêu 3 tháng một lần, tỉ lệ đổi trả dưới 2%.
Sau một năm thành lập, doanh số của Công ty đã tăng 5 lần chỉ nhờ vào việc bán các món đồ cơ bản dành cho nam giới như áo thun, đồ lót và bít tất. Với tốc độ tăng trưởng doanh thu hơn 30%/tháng, Coolmate đã có lợi nhuận từ nửa cuối năm 2020 cũng như đã nhận vốn đầu tư. Start-up này còn tận dụng một phương pháp gia tăng doanh số thông qua chia sẻ của những người có sức ảnh hưởng, khi từng có trường hợp mang về doanh số hơn 50.000 USD/ngày.
100% sản phẩm sản xuất tại Việt Nam
100% sản phẩm may mặc của Coolmate được sản xuất bởi chính những người thợ may lành nghề của Việt Nam. Từ khâu dệt, nhuộm vải, cắt may, hoàn thiện đều được thực hiện trong những nhà máy đạt tiêu chuẩn, tự hào gắn nhãn “Proudly Made in Vietnam”. Nhờ chất liệu vải luôn hướng đến sự năng động và thích hợp với đa dạng phong cách, Coolmate đã nhanh chóng thuyết phục được nam giới Việt, cũng như tự tin cạnh tranh công bằng với các thương hiệu nước ngoài cả về chất lượng lẫn giá cả.
Các đối tác sản xuất là một phần của Coolmate. Thay vì đặt hàng thời vụ và từng đơn lẻ với nhiều xưởng may khác nhau để tìm giá rẻ nhất, Coolmate tập trung xây dựng mối quan hệ chiến lược với các đối tác sản xuất có uy tín ngay từ đầu.
Ý thức trách nhiệm xã hội
Được sáng lập bởi những người trẻ, Coolmate ngay từ đầu đã xác định trách nhiệm xã hội với sản phẩm của mình: đóng gói không túi nilon, sản phẩm đổi trả được làm sạch/ tiêu huỷ có quy trình, tham gia tài trợ đồng hành cùng các chương trình bảo vệ môi trường.
Với những khách hàng nam giới, lười, ít thời gian mua sắm, lại ngại trả giá hay đi từng chỗ để mua tẻ lẻ từng món, thì đây là giải pháp cực kỳ tiện lợi. Hoặc thậm chí là những người phụ nữ đã có gia đình Coolmate sẽ là giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian mua sắm đồ cơ bản cho người đàn ông của gia đình.
“Startup thành công khi mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và giá trị bền vững cho xã hội.” – anh Nhu chia sẻ.
Đường ra biển lớn
Với tỷ suất lợi nhuận 45%, cùng tốc độ tăng trưởng như hiện tại, doanh số của Coolmate được kỳ vọng đạt 65 triệu USD trong năm 2021 và đáp ứng yêu cầu IPO tại Việt Nam. Đội ngũ Coolmate đặt mục tiêu rằng mỗi nam giới Việt Nam khi muốn mua một sản phẩm cơ bản, sẽ chọn truy cập vào Coolmate đầu tiên.
Không chỉ giới hạn mình ở thị trường nội địa, startup này còn đang xây dựng kế hoạch phát triển tại các thị trường khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Thái Lan, đồng thời kêu gọi vốn mở rộng mô hình kinh doanh bao gồm thêm các sản phẩm thể thao.
Vào 20h00 tối Chủ Nhật ngày 2/5 trên VTV3, anh Phạm Chí Nhu và Coolmate sẽ lên sóng trong tập đầu tiên của Shark Tank mùa 4. Hãy cùng FIIS chờ đón chương trình và lắng nghe câu chuyện khơi nguồn cảm hứng của vị CEO trẻ Phạm Chí Nhu cùng hành trình của Coolmate nhé!